Hướng dẫn dùng on-chain data trên Nansen (cơ bản)

  • avatar
    Name
    The Datafi
    Published on
    · 11 min read
  • Năm 2022 cùng nhiều sự kiện tiêu cực đã đặt dấu chấm hỏi lớn về tính minh bạch trong thế giới crypto, mặc dù công nghệ blockchain ra đời vốn để giải quyết vấn đề trên. Sau hàng loạt sự sụp đổ của các công ty crypto, dữ liệu on-chain ngày càng được quan tâm và dễ tiếp cận hơn. Nansen là một trong những công cụ phân tích on-chain phổ biến và hiệu quả nhất tính tới hiện tại.

    Bài viết bên dưới sẽ giúp bạn hiểu sơ lược về Nansen cũng như các chức năng cơ bản của công cụ này.

    A - NANSEN LÀ GÌ?

    • Nansen là công cụ phân tích dữ liệu on-chain trên blockchain.
    • Dù ra đời trễ hơn, Nansen lại nổi bật khi đặt cạnh CryptoQuant hay Glassnode nhờ việc định danh hàng triệu ví dựa trên phân tích lịch sử giao dịch của ví.
    • Từ đó người dùng có thể dễ dàng nhận biết các ví smart money, ví của tổ chức, ví của sàn, của một nhân vật cụ thể hay chỉ là ví có hoạt động giao dịch tích cực.

    B - NÊN DÙNG GÓI GÌ TRÊN NANSEN?

    Nansen có 4 gói chính:

    • Gói Free: Đọc một số bài report miễn phí, xem một số dashboard cơ bản. Tuy nhiên, những thông tin này gần như không có giá trị đáng kể trong phân tích dữ liệu on-chain.
    • Gói Standard với quyền truy cập vào tất cả các dashboard chính của Nansen như NFT, DeFi, dữ liệu các ví hay Smart Money,... kèm theo bài Research NFT mỗi tuần, xem Portfolio của ví hay tạo 10 cảnh báo giao dịch bất thường.
    • Gói VIP cho bạn các quyền trên, cho phép bạn tạo đến 100 cảnh báo giao dịch, quyền truy cập sớm vào các dashboard mới, quyền xem loạt bài research chuyên sâu về các hệ sinh thái hay về các công nghệ trên blockchain.
    • Gói Alpha cho bạn tất cả quyền trên, kèm theo quyền được tùy chỉnh bộ lọc cho các dashboard, được đọc các bài alpha research về smart money, phân tích cách farming, cảnh báo về các thông tin alpha hằng ngày và nhiều đặc quyền khác.

    Số đông sẽ dùng gói Standard, đây cũng là gói khá đầy đủ cho người phân tích on-chain dưới 1 năm tuổi. Vậy ở bài này, Datafi sẽ hướng dẫn trên giao diện của gói Standard.

    C - BẠN CẦN DASHBOARD NÀO?

    Bên cạnh các dashboard (bảng dữ liệu) được hiển thị, có 4 phần chính bạn cần lưu ý trên giao diện trang pro.nansen.ai.

    (1) Chọn hệ blockchain

    • Các dashboard sẽ hiển thị dữ liệu được lấy từ hệ blockchain bạn chọn, vì vậy bạn cần lưu ý chọn đúng hệ bạn muốn xem.

    (2) Xem nhanh các dashboard được nhiều người quan tâm

    • Home: Các dashboard được nhiều người quan tâm trên Nansen. Riêng dashboard Hot Contracts (các contract được trả phí gas cao) cần gói VIP hoặc Alpha mới có thể truy cập.
    • Wallet Profiler: Kiểm tra hoạt động và token đang giữ của ví.
    • NFT Paradise: Các dashboard tổng quan về thị trường NFT, bao gồm cả lợi nhuận của smart money.
    • Token God Mode: Các dashboard tổng quan về 1 token cụ thể, bao gồm các giao dịch với DEX và ra/vào CEX, các Top Balances và Smart Money của token đó,...
    • DeFi Paradise: Tổng quan các bot hồ thanh khoản (liquidity pool) hoặc staking pool trong hệ và ngoài hệ.
    • Smart Money: Các dashboard giao dịch trên DEX hoặc giữa các ví với nhau của Smart Money cũng như thống kê tài sản mà các Smart Money đang giữ.
    • Hot Contracts: Các contract DeFi hoặc NFT được trả phí gas cao trên hệ.

    (3) Toàn bộ các dashboard có trên Nansen

    • Wallet: gồm Wallet Profiler (Kiểm tra hoạt động và token đang giữ của ví), Wallet Profiler For Token (Kiểm tra hoạt động giao dịch token cụ thể trên ví), Wallet Pair Profiler (So sánh 2 ví với nhau) và Sandwich Attack (Kiểm tra lịch sử ví có từng bị Sandwich Attack).
    • NFT Analytics: gồm NFT Paradise (Tổng quan thị trường NFT), NFT God Mode, NFT Item Profiler, Rarity Profiler (Các dashboard chi tiết về 1 NFT cụ thể) và Trends & Indexes (Xu hướng và các chỉ số của thị trường NFT).
    • Token: gồm Token God Mode, Exchange Flows (Các giao dịch ra/vào CEX của token), Token Movements (Các giao dịch token trong một khoảng thời gian cụ thể), Token Overlap (Các dashboard so sánh 2 token và các holder giữ 2 token này) và Stablecoin Master (Tổng quan về stablecoin).
    • DeFi Analytics: DeFi Paradise, Hot Contracts và Multichain Hot Contracts (Các contract được trả phí gas cao), và Bridge Builder (Tổng quan về các bridge).
    • Smart Money
    • Macro: Gas Tracker (Các dashboard về phí gas) và Các chỉ số trên các Hệ.
    • Ecosystem: Tổng quan về các hệ sinh thái trên blockchain đó.

    (4) Các chức năng khác của Nansen

    • Portfolio: Xem các thống kê token, phân tích tài sản, lịch sử giao dịch,... của một ví trên tất cả các blockchain.
    • Smart Alerts: Tự thiết lập các cảnh báo giao dịch cho riêng mình.
    • Watchlist: Danh sách các ví, token hoặc NFT mà bạn quan tâm.
    • Research Portal: Chuyên trang dành cho các bài Research của Nansen.

    D - CÁC NHÃN TRÊN NANSEN

    Các ví có gẵn nhãn sẵn chính là điểm mạnh của Nansen so với công cụ khác. Nó giúp người dùng dễ dàng phân loại ví. Các loại ví (nhãn) chính trên on-chain mà Nansen đã gắn gồm:

    • Smart Money 🤓: Là những ví có lợi nhuận cao. Nansen thường sẽ xác định luôn Smart Money đó là ai.
    • Ví của sàn 🏦: Là những ví thuộc sở hữu của sàn. Lưu ý: Ví của sàn không phải là ví đầu tư của sàn, mà là ví mà sàn CEX dùng để nhận hoặc trả token, hoặc sử dụng cho các hoạt động nội bộ,...
    • Smart Contract 🤖 : Là những ví smart contract.

    Các nhãn phổ biến trên Nansen:

    • Token Millionaire : Ví có giá trị số dư token trên 1 triệu USD.
    • (Medium) Dex Trader : Ví thường có hoạt động giao dịch trên DEX.
    • Smart Dex Trader: Các ví Smart Money thường giao dịch trên DEX.
    • High Activity: Ví có tần suất giao dịch cao.

    Ngoài ra còn nhiều nhãn tên khác mà bạn có thể làm quen dần khi sử dụng Nansen.

    E - CÁCH XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU DÙNG NANSEN

    Bạn nên đặt ra câu hỏi và mục tiêu khi đọc dữ liệu trên Nansen vì rất dễ bị choáng ngợp và nản chí trước quá nhiều con số. Đặc biệt, không nên hoàn toàn áp dụng cách của người khác, vì nó sẽ khiến cho năng lực nghiên cứu on-chain của bạn bị hạn chế. Cũng vì vậy, dưới đây, Datafi sẽ chỉ gợi ý một số use case thường gặp, còn các mục tiêu khác thì tùy mỗi người sẽ có con số cần quan tâm, cách dùng riêng..

    1. Cách nhận biết biến động bất thường trên on-chain

    1.1. Khi chưa biết token nào sẽ có biến động

    Tự tạo cho riêng mình một Smart Alert theo dõi biến động của các token mà bạn quan tâm, kèm theo các điều kiện mà bạn định nghĩa là “biến động”.

    1.2. Khi đã biết token nào biến động

    Kiểm tra các giao dịch bất thường của một token cụ thể trong khoảng thời gian nhất định bằng Token Movements. Ví dụ dưới đây thống kê các thay đổi balance của ví lớn hơn 1 triệu USD từ ngày 17 đến ngày 19/12.

    Bạn cũng có thể theo dõi các giao dịch đáng chú ý tại Top Transactions trong Token God Mode.

    2. Token nào đang được gom hàng hoặc xả hàng?

    “Gom hàng” hay “xả hàng” có thể tạm hiểu là tích lũy token trong ví tăng hay giảm sau khi chuyển token ra/vào sàn CEX hoặc giao dịch trên DEX, dù cách định nghĩa như vậy chỉ mang tính tương đối. Vậy bạn cần tìm các dashboard mô tả được điều trên.

    2.1. Xu hướng rút/nạp trên sàn

    Các dashboard trong Exchange Flows có thể giúp bạn tìm ra xu hướng rút/nạp token trên sàn. Nansen còn có các dashboard cho từng xu hướng liên quan đến Smart Money, các ví của quỹ hoặc các ví nói chung.

    2.2. Theo dõi Smart Money trên DEX

    Với dashboard này, bạn có thể phát hiện token nào đang được nhiều smart money gom/xả để theo dõi.

    3. Xác định danh tính, hành vi

    Thông thường, các ví trên Nansen đều được gắn nhãn, đôi khi còn tiết lộ luôn danh tính của chủ ví. Tuy nhiên, nhiều ví chỉ dừng lại ở những cái tên chung chung như Token Millionaire, High Activity, Medium Dex Trader hoặc thậm chí chưa được gắn nhãn. Điều này đôi lúc sẽ làm bạn bỏ sót những ví cá voi quan trọng.

    Xác định danh tính hoặc hành vi ví sẽ giúp bạn dự đoán được hành động tiếp theo của cá voi. Vì thế, bạn cần nắm rõ các dashboard theo dõi ví.

    3.1. Xác định hành vi và vùng giá gom hàng của ví

    Trong phần Wallet Profiler For Token $HFT của một ví Token Millionaire cho thấy ví có xu hướng tích lũy token khi giá có chiều hướng giảm.

    Kiểm tra thời gian cụ thể trong lịch sử giao dịch của ví sẽ xác định được ví gom hàng ở vùng giá nào.

    3.2. Xác định danh tính ví

    Tương tự, lịch sử giao dịch cũng có thể tiết lộ được danh tính của ví, ví dụ như các hoạt động trên DeFi của ví, hoặc thời điểm ví nhận vesting, hoặc các bên mà ví thường xuyên tương tác,...

    F - CÁC LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH DÙNG NANSEN

    • Khi bạn nhấn vào một địa chỉ ví, Nansen mặc định chuyển bạn đến trang Wallet Profiler của ví (gồm tất cả token mà ví đang giữ). Điều này khá bất tiện nếu bạn đang theo dõi một chuỗi giao dịch nào đó của 1 token. Bạn cần làm quen việc nhấn chuột phải và chọn Wallet Profiler For Token để xem lịch sử giao dịch của ví với token bạn đang xem.

    • Các dashboard trên Nansen sẽ không tự động cập nhật liên tục theo thời gian thực mà sẽ mất từ vài phút đến vài chục phút hoặc có khi vài tiếng để làm mới dữ liệu. Đôi khi Nansen sẽ cần bạn phải refresh lại trang để cập nhật. Bạn cần lưu ý thời gian ở góc phải bên dưới mỗi dashboard để tránh bỏ sót dữ liệu mới.

    • Nansen ghi nhận dữ liệu trên bảng Token Balance Over Time with Historical Price bằng netflow của ví sau mỗi ngày. Nghĩa là nếu cùng một ngày mà inflow và outflow trong ví bằng nhau thì sẽ không được ghi nhận. Bạn cần lưu ý điều này để tránh hiểu sai về động thái của ví. Trong ví dụ bên dưới, lịch sử giao dịch của ví khá dày đặc nhưng không phản ánh ở biểu đồ bên trên.

    Như vậy, bạn cần có cái nhìn tổng thể hơn về hành vi của ví thay vì chỉ xem 1 dashboard.

    • Cần lưu ý các ví được gắn nhãn là tên sàn không phải là ví đầu tư của sàn (khác với ví của quỹ) mà là ví của sàn dùng để nhận và trả token cho người dùng hoặc cho các hoạt động nội bộ trên sàn.

    • Các giao dịch ra và vào CEX không phải lúc nào cũng là hành động mua hoặc bán. Ngoài ra, ví sàn CEX ngay sau khi được nạp vào mà chuyển tiếp cho một ví khác của sàn đó cũng không có nghĩa là một giao dịch bán (ví dụ như từ ví Binance: Deposit sang ví Binance 14, hay từ ví Coinbase: Deposit sang ví Coinbase).

    Lời cuối

    Dữ liệu on-chain ngày càng trở nên dễ tiếp cần và gần gũi hơn với người dùng. Tuy nhiên, nếu chưa thật sự hiểu rõ bản chất, bạn rất khó để đưa ra nhận định, hoặc thậm chí là hiểu sai dữ liệu.

    Để vận dụng tốt hơn các kiến thức về Nansen, bạn có thể tham khảo các bài viết của Datafi và kết hợp với trải nghiệm riêng của bản thân.